Theo tờ trình mới nhất gửi thành phố Hà Nội, UBND huyện Gia Lâm cho biết đã đạt đủ tiêu chí thành lập quận, phường.

Với diện tích 116 km2, dân số 310.000, quận Gia Lâm sau khi thành lập gồm 16 phường, hình thành từ hai thị trấn và 20 xã hiện nay.  Quận Gia Lâm sau khi thành lập có 16 phường gồm: Trâu Quỳ, Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Ninh Hiệp, Yên Thường, Cổ Bi, Đặng Xá, Dương Xá, Dương Quang, Lệ Chi, Yên Viên, Phù Đổng, Thiên Đức, Phú Sơn, Bát Tràng, Kim Đức.

Vị trí và địa giới hành chính của Gia Lâm

Về địa giới hành chính, phía đông quận giáp huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) và huyện Văn Lâm (Hưng Yên); phía tây giáp quận Long Biên, Hoàng Mai và huyện Đông Anh; phía nam giáp huyện Văn Giang (Hưng Yên) và huyện Thanh Trì; phía bắc giáp thành phố Từ Sơn và huyện Tiên Du, Bắc Ninh.

Gia Lâm nằm ở cửa ngõ phía đông thành phố Hà Nội, có nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch đi qua như quốc lộ 1A kết nối Bắc Ninh; quốc lộ 3 mới kết nối Hà Nội, Thái Nguyên; quốc lộ 5B nối với tỉnh Hưng Yên và TP Hải Phòng.

Cơ sở hạ tầng tại Gia Lâm

Quận có mạng lưới khu công nghiệp như cụm công nghiệp Phú Thị, Hapro, Ninh Hiệp.  Các làng nghề truyền thống lâu đời như gốm sứ Bát Tràng, Kim Lan, dát vàng Kiêu Kỵ, thuốc bắc, mứt sen Ninh Hiệp.

Trên địa bàn còn có các khu đô thị như Đặng Xá 1, 2, Vinhomes Ocean Park.

Lễ hội Gióng xã Phù Đổng đã được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.

Hình ảnh khu đô thị Vinhomes Ocean Park tại Gia Lâm

Gia Lâm đã đề xuất sát nhập một số xã 

Trước đó để tiêu chuẩn hoá các tiêu chí lên quận (diện tích tự nhiên đạt 5,5km2 trở lên; dân số đạt 15.000 người trở lên), Gia Lâm đã đề xuất nhập một số xã.  Cụ thể, huyện Gia Lâm hiện có 22 đơn vị hành chính cấp xã gồm: 2 thị trấn (Trâu Quỳ, Yên Viên) và 20 xã (Cổ Bi, Đặng Xá, Dương Xá, Phú Thị, Dương Quang, Kim Sơn, Lệ Chi, Đông Dư, Bát Tràng, Kim Lan, Văn Đức, Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Yên Thường, Yên Viên, Dương Hà, Ninh Hiệp, Đình Xuyên, Phù Đổng, Trung Màu).  Quận đề xuất sát nhập như sau:

Thị trấn Yên Viên và xã Yên Viên, lấy tên phường Yên Viên.

Xã Kim Lan nhập với Văn Đức, thành tên phường mới Kim Đức.

Xã Đình Xuyên nhập với Dương Hà, lấy tên phường Thiên Đức theo tên dòng sông chảy qua hai xã.

Xã Phù Đổng nhập với Trung Màu, lấy tên phường Phù Đổng vì gắn với truyền thuyết Thánh Gióng.

Xã Kim Sơn nhập với Phú Thị, ghép âm tiết tên hai xã thành tên phường mới Phú Sơn.

Xã Đông Dư nhập với Bát Tràng, lấy tên phường Bát Tràng vì tên gọi đã có trong sử sách và thương hiệu gốm nổi tiếng.

Theo huyện Gia Lâm, việc nhập các xã thành phường mới như trên đảm bảo sự đồng nhất của đơn vị hành chính về lịch sử truyền thống, địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và tinh giản bộ máy, biên chế…

Huyện Đông Anh và Gia Lâm dự kiến lên quận vào Quý IV/2023

Hà Nội hiện có 12 quận (Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Hà Đông, Long Biên). Và 17 huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Ba Vì, Mê Linh, Quốc Oai, Thanh Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Thanh Trì, Phú Xuyên, Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Thạch Thất, Thường Tín, Ứng Hòa) và thị xã Sơn Tây.

Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 có 3-5 huyện lên quận, trước mắt ưu tiên nguồn lực, hoàn thiện tiêu chí đưa hai huyện Đông Anh, Gia Lâm lên quận vào quý 4 năm 2023.

Hôm 4/7, tại kỳ họp thứ 12, HĐND TP Hà Nội thông qua đề án thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận này.

Nguồn: Vnexpress.net

Tin tức liên quan

Nhận tư vấn